Hoạt động quản lý thị trường trên địa bàn huyện miền núi A Lưới của Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế.
Huyện A Lưới là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 70km về phía Tây, có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua. Phía Bắc giáp huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Đa Krông tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp thị xã Hương Trà, huyện Nam Đông và thị xã Hương Thuỷ, phía Tây giáp với nước CHDCND Lào, nơi đây là khu vực sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy...
Hoạt động thương mại trên địa bàn huyện tương đối nhỏ lẻ, hầu hết tập trung chủ yếu tại 02 chợ, là chợ Bốt Đỏ thuộc xã Hồng Thượng và chợ A Lưới nằm ở trung tâm Thị trấn, huyện A Lưới. Hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện không sầm uất như các địa bàn khác và tình hình kinh tế, thu nhập của người dân đa phần cũng khó khăn, bên cạnh đó sự phát triển mạnh của thương mại điện tử cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh tại các chợ truyền thống nói chung cũng như các chợ trên địa bàn huyện.
Bà Trần Thị B, chủ hộ kinh doanh có địa chỉ tại Thôn A Đớt, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Khách hàng của Hộ kinh doanh chỉ bán cho khách quen trong thôn là chính, hàng hóa bán tại cửa hàng chủ yếu là nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân, nhưng do điều kiện khó khăn nên lượng hàng bán ra giảm nhiều so với trước đây. Hộ kinh doanh được Đội QLTT số 4 thường xuyên tuyên truyền, đã ký cam kết và thực hiện đúng các quy định pháp luật trong hoạt động thương mại.
Hoạt động thương mại tại chợ A Lưới
Tuy địa bàn xa, đi lại khó khăn, hoạt động thương mại nhỏ lẻ nhưng hàng năm, Đội Quản lý thị trường số 4 đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phù hợp với tình hình thị trường và triển khai công tác kiểm tra kiểm soát nhằm đảm bảo ổn định thị trường trên địa bàn, thường xuyên rà soát, theo dõi hoạt động thương mại điện tử để kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; trong đó chú trọng công tác tuyên truyền và kiểm tra kiểm soát về an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Tăng cường nắm bắt tình hình kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong mùa mưa bão và hàng hóa phục vụ dịp tết nguyên đán sắp tới.
Bên cạnh đó, Đội cũng thường xuyên giám sát, nắm tình hình hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng xăng dầu về việc xuất hoá đơn trực tiếp trên phần mềm điện tử theo quy định của Bộ Công Thương trên địa bàn, 100% các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thực hiện theo đúng quy định.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa bàn huyện A Lưới
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại cơ sở kinh doanh trung tâm thị trấn A Lưới
Nhận định trrong thời gian tới, nhất là giai đoạn trước, trong và sau tết nguyên đán Ất Tỵ, tình hình thị trường sẽ diến biến sôi động, dễ phát sinh các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại trên địa bàn. Đội QLTT số 4 sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn; giám sát các tuyến, địa bàn, ngành hàng trọng điểm để đấu tranh có hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng trên thị trường truyền thống cũng như hoạt động thương mại điện tử; góp phần ổn định thị trường và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trên địa bàn quản lý.
Cục Quản lý thị trường tỉnh TT Huế