Hộ kinh doanh được hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm, một số vấn đề pháp lý đặt ra trong công tác kiểm tra, kiểm soát
- Điều 86, Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ quy định: Hộ kinh doanh khi hoạt động tại nhiều địa điểm thì Hộ kinh doanh, Hộ kinh doanh lưu động đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh, không có quy định phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trong Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
trong lĩnh vực Kế hoạch đầu tư lại quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi p hạm kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường. Trong quá trình thực thi pháp luật, khi gặp vấn đề này, Kiểm soát viên đang thi hành pháp luật rất lúng túng, nếu xử phạt rất dễ xảy ra hậu quả pháp lý vì Nghị định quy định không có yêu cầu, bắt buộc Hộ kinh doanh thực hiện, có thể hiểu là Hộ kinh doanh không phải thực hiện việc này. Nhưng nếu không xử phạt, thì lại bỏ sót hành vi vi phạm và có thể bị xử lý theo Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của chính phủ quy định Kiểm tra, xử lý trong thi hành pháp luật về xử lý hành chính.
- Tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ Kế hoạch đầu tư Hướng dẫn về Đăng ký doanh nghiệp và các biểu mẫu thực hiện lại không có biểu mẫu “ Thông báo kinh doanh nhiều địa điểm đối với Hộ kinh doanh”, điều này gây khó khăn cho cả Hộ kinh doanh lẫn cơ quan quản lý nhà nước đối với vấn đề này. Do không có biểu mẫu nên khi thực hiện kinh doanh nhiều địa điểm, hộ kinh doanh tự làm thông báo và không có quy định bắt buộc phải ghi các tiêu chí cụ thể nào như: Thông báo chơ cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan thuế ở cấp hành chính nào? (Cấp tỉnh, cấp huyện,…); địa điểm cụ thể, chính xác hoạt động kinh doanh của địa điểm thứ 2,3,… nơi Hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Nếu Hộ kinh doanh chỉ thông báo mang tính chất chung chung, không có địa điểm kinh doanh chính xác, cụ thể thì cơ quan quản lý thị trường cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan rất khó để giám sát hoạt động kinh doanh, kiểm tra chất lượng hàng hoá,… nhưng lại không thể nhắc nhở, xử phạt vi pham hành chính với lý do “ Hộ kinh doanh đã thực hiện thông báo theo quy định”. Trên thực tế đã có trường hợp Hộ kinh doanh gửi thông báo mang tính chất chung chung là hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng không ghi cụ thể địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh để cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát (ảnh minh hoạ)
Từ các khó khăn, vướng mắc nói trên, thiết nghĩ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quy định cụ thể, thống nhất đối với Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm của hộ kinh doanh. Đây là cơ sở quan trọng để Hộ kinh doanh thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho lực lượng chức năng trong hoạt động thực thi công vụ, giám sát, kiểm tra, xử lý vi pham hành chính, đảm bảo môi trường chuyên nghiệp, lành mạnh trong kinh doanh.